Sơ cứu khi bị hạ thân nhiệt đột ngột

Menu
Background

Báo Chí

Sơ cứu khi bị hạ thân nhiệt đột ngột

Hạ thân nhiệt xảy ra khi cơ thể mất nhiệt nhanh hơn khả năng sinh nhiệt và nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C. Nếu không được sơ cứu khi bị hạ thân nhiệt kịp thời, tình trạng nguy hiểm này có thể đe dọa đến tính mạng.

1. Cơ chế hạ thân nhiệt

Bình thường, thân nhiệt trung bình của một người lớn khỏe mạnh là khoảng 37 độ C. Hạ thân nhiệt xuất hiện khi lượng nhiệt cơ thể mất đi nhiều hơn lượng nhiệt cơ thể sinh ra, khả năng kiểm soát thân nhiệt của cũng cơ thể bị rối loạn.

Hạ thân nhiệt đột ngột thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, cụ thể là vào những ngày mùa đông lạnh, rét. Nguyên nhân của hạ thân nhiệt thường là do:

  • Tiếp xúc với thời tiết lạnh, nhiễm lạnh khi trời mưa;
  • Mặc quần áo ẩm ướt, không đủ ấm;
  • Để đầu trần khi nhiệt độ thấp;
  • Tắm ở nơi không kín gió;
  • Ngã hoặc ngâm mình trong nước lạnh thời gian dài;
  • Sinh hoạt trong nhà có nhiệt độ dưới 10 độ C.

Nguy cơ hạ thân nhiệt sẽ tăng nếu kèm theo tình trạng kiệt sức hoặc mất nước. Những đối tượng dễ bị hạ thân nhiệt bao gồm:

  • Người già ít vận động, hệ tuần hoàn kém, giảm thích ứng với thời tiết lạnh;
  • Trẻ em, trẻ sinh non, nhất là các bé dưới 5 tuổi có cơ chế điều hoà thân nhiệt chưa phát triển hoàn chỉnh;
  • Người đang bị bệnh, gầy yếu, suy dinh dưỡng;
  • Mắc các bệnh như tâm thần, Alzheimer, tim mạch, thiểu năng tuyến giáp...;
  • Người say rượu hoặc đang phê ma túy;
  • Người vô gia cư;
  • Nạn nhân đuối nước hoặc bị mắc kẹt lâu trong thời tiết lạnh.

2. Biểu hiện hạ thân nhiệt đột ngột

Biểu hiện và sự nghiêm trọng của hạ thân nhiệt cũng dựa vào các mức độ cụ thể như sau:

  • Từ 35 - 34 độ C: Hạ thân nhiệt nhẹ;
  • 34 - 32 độ C: Hạ thân nhiệt trung bình;
  • 32 - 25 độ C: Hạ thân nhiệt nặng;
  • Dưới 25 độ C: Hạ thân nhiệt nguy kịch.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hạ thân nhiệt thường diễn tiến chậm, đặc biệt các bé nhỏ nếu bị hạ thân nhiệt đột ngột có thể nhìn vẫn khoẻ mạnh. Khi thân nhiệt hạ xuống quá thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới não, khiến cho người bệnh gặp nguy hiểm với nhiều biểu hiện đặc trưng, chẳng hạn như:

  • Rùng mình, run lẩy bẩy cho đến khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống;
  • Nói chậm hoặc lẩm bẩm;
  • Thở chậm, nhịp thở ngắn;
  • Mạch đập yếu, chậm;
  • Tay chân lóng ngóng, khó điều khiển;
  • Buồn ngủ hoặc cạn kiệt sức lực;
  • Nhầm lẫn hoặc mất trí nhớ;
  • Người người lơ mơ li bì hoặc mất ý thức, gọi hỏi không trả lời;
  • Nằm im, bơ phờ (dấu hiệu ở trẻ em);
  • Da ửng đỏ, sờ vào thấy lạnh, xanh tái (đối với trẻ sơ sinh).

Trong những trường hợp hạ thân nhiệt nguy kịch do nhiễm độc, nạn nhân có thể bị hôn mê, đồng tử giãn và mất phản xạ ánh sáng. Nếu phản xạ gân xương và điện não đồ không còn hoạt động thì khả năng hồi phục là rất thấp.

3. Sơ cứu khi bị hạ thân nhiệt đột ngột

Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ một người đang bị hạ thân nhiệt, cần gọi ngay số khẩn cấp 115 của bệnh viện. Sau đó, ngay lập tức thực hiện các bước sau:

  • Nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra khỏi nguồn lạnh, vào nơi trú ẩn và bật đèn hoặc lò sưởi, máy sưởi ấm bệnh nhân, đóng các cửa tránh gió lùa;
  • Nếu không thể vào trong nhà, cần bảo vệ nạn nhân khỏi gió lùa, đặc biệt là vùng quanh cổ và đầu. Cách nhiệt, không để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với mặt đất lạnh;
  • Nhẹ nhàng cởi quần áo ướt và mặc áo khoác thay thế hoặc quấn chăn khô, ủ ấm cho nạn nhân;
  • Tiếp tục làm ấm dần dần bằng cách chườm khăn ấm và khô vào phần trung tâm của cơ thể, ví dụ như cổ, ngực và bẹn. Cũng có thể lựa chọn sử dụng máy sưởi ấm bệnh nhân, chăn điện nếu có sẵn, hoặc dùng bàn tay hơ lửa cho ấm rồi áp vào người nạn nhân. Trong trường hợp dùng chai nước nóng hoặc túi giữ nhiệt làm nóng, đầu tiên cần lấy một chiếc khăn bọc lại trước khi chườm lên người nạn nhân.
  • Cho nạn nhân uống nước ngọt và ấm, không chứa cồn. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì dùng thêm thức ăn giàu năng lượng;
  • Liên tục theo dõi hơi thở và thân nhiệt của người bị nhiễm lạnh;
  • Bắt đầu hô hấp nhân tạo nếu người bệnh không có dấu hiệu của sự sống, chẳng hạn như thở, ho hoặc cử động.

Những trường hợp nặng, nhân viên khoa cấp cứu tại bệnh viện sẽ hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân bằng cách đặt nội khí quản khi có giảm thông khí nặng và rối loạn ý thức. Tùy theo mức độ và tình trạng tim mạch, có thể thận trọng truyền từ từ dịch bicarbonat Na 42‰ hoặc dung dịch điện giải, máu và plasma.

Ngoài ra, hút dạ dày và đặt ống thông hậu môn để chống liệt ruột cơ năng cũng là những biện pháp sơ cứu khi bị hạ thân nhiệt dành cho nhân viên y tế. Sau đó, bệnh nhân sẽ được theo dõi, tìm ra nguyên nhân và điều trị căn bệnh gây hạ thân nhiệt nếu có.

4. Thận trọng khi xử trí hạ thân nhiệt

Người bị hạ thân nhiệt sẽ mất dần năng lực thể chất, bản thân họ không ý thức được tình huống đang diễn ra nên rất cần thiết được sơ cứu khi bị hạ thân nhiệt đột ngột từ những người xung quanh. Trong quá trình xử trí cấp cứu, cần lưu ý:

  • Không làm ấm nạn nhân quá nhanh và trực tiếp bằng đèn sưởi hoặc bồn tắm nóng;
  • Các động tác phải được tiến hành nhẹ nhàng, tránh xoa bóp hoặc chà xát mạnh dễ dẫn đến nguy cơ ngừng tim;
  • Không làm ấm hoặc xoa bóp cánh tay và chân của người đang bị hạ thân nhiệt để tránh thúc đẩy máu lạnh trở về tim, phổi và não. Điều này sẽ gây hạ thân nhiệt trung tâm và tạo thêm áp lực cho các cơ quan rất nguy hiểm, có thể gây tử vong;
  • Không cho người bị hạ thân nhiệt uống rượu hoặc hút thuốc lá vì chúng có thể làm cản trở lưu thông tuần hoàn cũng như quá trình làm ấm cơ thể cần thiết;
  • Đối với nhân viên y tế, không dùng thuốc co mạch để tránh gây cản trở ngoại biên, dễ dẫn đến phù phổi.

Ngoài những trường hợp tai nạn không lường trước, người cao tuổi và trẻ em chính là những đối tượng dễ bị hạ thân nhiệt đột ngột, đặc biệt về đêm, khi thời tiết lạnh và có các bệnh lý khác đi kèm. Do đó các thành viên khác trong gia đình, cũng như những nhân viên y tế, cần dành nhiều sự quan tâm và chủ động học hỏi, nắm vững cách sơ cứu khi bị hạ thân nhiệt. Nếu tình trạng không cải thiện, hoặc ý thức tri giác xấu đi thì cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để được xử trí thích hợp và kịp thời, tìm ra nguyên nhân và điều trị, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng.

Nguồn tham khảo: https://www.vinmec.com